Được quy định trong Nghị định 69/2018/NĐ-CP, Thương nhân Việt Nam được nhận gia công hàng hóa hợp pháp cho thương nhân nước ngoài, trừ hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu.Đối với hàng hóa thuộc danh mục đầu tư kinh doanh có điều kiện, chỉ các thương nhân đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định về sản xuất, kinh doanh mặt hàng đó mới được gia công xuất khẩu cho nước ngoài. Đối với các mặt hàng nhập khẩu theo hình thức chỉ định thương nhân thuộc thẩm quyền quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, việc gia công hàng hóa thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, thương nhân chỉ được ký hợp đồng gia công cho thương nhân nước ngoài sau khi được Bộ Công thương cấp Giấy phép.
Hợp đồng gia công phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương theo quy định của Luật thương mại và phải tối thiểu bao gồm các điều khoản: Tên, địa chỉ của các bên ký hợp đồng và bên gia công trực tiếp; Tên, số lượng sản phẩm gia công; Giá gia công; Thời hạn thanh toán và phương thức thanh toán; Danh mục, số lượng, trị giá nguyên liệu, phụ liệu, vật tư nhập khẩu và nguyên liệu, phụ liệu, vật tư sản xuất trong nước (nếu có) để gia công; định mức sử dụng nguyên liệu, phụ liệu, vật tư; định mức vật tư tiêu hao và tỷ lệ hao hụt nguyên liệu trong gia công; Danh mục và trị giá máy móc, thiết bị cho thuê, cho mượn hoặc tặng cho để phục vụ gia công (nếu có); Biện pháp xử lý phế liệu, phế thải, phế phẩm và nguyên tắc xử lý máy móc, thiết bị thuê, mượn, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa sau khi kết thúc hợp đồng gia công; Địa điểm và thời gian giao hàng; Nhãn hiệu hàng hóa và tên gọi xuất xứ hàng hóa; Thời hạn hiệu lực của hợp đồng.
Nghị định quy định rõ thương nhân nhận gia công được miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế đối với hàng hóa tạm nhập khẩu theo định mức và tỷ lệ hao hụt để thực hiện hợp đồng gia công và đối với sản phẩm gia công xuất khẩu; được thuê thương nhân khác gia công; phải nộp thuế xuất khẩu theo quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với phần nguyên liệu, phụ liệu, vật tư mua trong nước; phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về hoạt động gia công xuất khẩu, nhập khẩu, sản xuất hàng hóa trong nước và các điều khoản của hợp đồng gia công đã được ký kết…/.
Nghị định cũng quy định cụ thể về tạm nhập, tái xuất hàng hóa
Theo Nghị định, thương nhân Việt Nam được quyền kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa không phụ thuộc vào ngành nghề đăng ký kinh doanh theo các quy định sau: Hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất có điều kiện, thương nhân phải đáp ứng điều kiện theo quy định; hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; hàng hóa chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam; hàng hóa thuộc diện quản lý bằng biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu, hạn ngạch thuế quan, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, trừ trường hợp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tự động, thương nhân phải được Bộ Công Thương cấp Giấy phép kinh doanh tạm nhập, tái xuất. Hồ sơ, thủ tục cấp Giấy phép được quy định tại Điều 19, Điều 20 Nghị định này.
Trường hợp hàng hóa không thuộc quy định trên thì thương nhân thực hiện thủ tục tạm nhập, tái xuất tại cơ quan hải quan.
Nghị định nêu rõ đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, chỉ được thực hiện tạm nhập, tái xuất hàng hóa theo quy định tại Điều 15 Nghị định này, không được thực hiện hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa.
Hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan từ khi tạm nhập cho tới khi hàng hóa thực hiện tái xuất ra khỏi Việt Nam; không chia nhỏ hàng hóa vận chuyển bằng công-ten-nơ trong suốt quá trình vận chuyển hàng hóa từ cửa khẩu tạm nhập đến khu vực chịu sự giám sát của cơ quan hải quan, địa điểm tái xuất thuộc cửa khẩu, lối mở biên giới theo quy định.
Trường hợp do yêu cầu vận chuyển cần phải thay đổi hoặc chia nhỏ hàng hóa vận chuyển bằng công-ten-nơ để tái xuất thì thực hiện theo quy định của cơ quan hải quan.
Nghị định quy định hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất được lưu lại tại Việt Nam không quá 60 ngày, kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan tạm nhập. Trường hợp cần kéo dài thời hạn, thương nhân có văn bản đề nghị gia hạn gửi Chi cục Hải quan nơi thực hiện thủ tục tạm nhập; thời hạn gia hạn mỗi lần không quá 30 ngày và không quá 2 lần gia hạn cho mỗi lô hàng tạm nhập, tái xuất.
Quá thời hạn nêu trên, thương nhân phải tái xuất hàng hóa ra khỏi Việt Nam hoặc tiêu hủy. Trường hợp nhập khẩu vào Việt Nam thì thương nhân phải tuân thủ các quy định về quản lý nhập khẩu hàng hóa và thuế.
Nghị định quy định rõ, kinh doanh tạm nhập, tái xuất được thực hiện trên cơ sở hai hợp đồng riêng biệt: Hợp đồng xuất khẩu và hợp đồng nhập khẩu ký với thương nhân nước xuất khẩu, nước nhập khẩu. Hợp đồng xuất khẩu có thể ký trước hoặc sau hợp đồng nhập khẩu./.
Mọi vấn đề vướng mắc về nghị định 69/2018/NĐ-CP: Quy định mới về gia công hàng hóa cho thương nhân nước ngoài, quý vị hãy liên hệ Tư vấn Blue để được hỗ trợ tư vấn miễn phí.