T5, 01 / 2019 10:17 chiều | hanhblue

 

Dịch vụ dịch thuật ngày càng phát triển và cần thiết tại Vĩnh Phúc- địa phương đang thu hút rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến từ nhiều quốc gia: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, …Thay vì phải lập một bộ phận dịch thuật, nhiều doanh nghiệp lựa chọn hình thức hợp tác với một Công ty chuyên về dịch thuật để nhận được sự hỗ trợ chuyên nghiệp. Chính vì nhu cầu sử dụng dịch thuật này càng nhiều nên nhiều chủ thể muốn đầu tư vào lĩnh vực dịch thuật.

Trong bài viết này, Luật Blue sẽ hỗ trợ khách hàng tư vấn thành lập công ty hoạt động trong lĩnh vực dịch thuật.

1. Căn cứ pháp lý

– Luật doanh nghiệp năm 2014;

– Luật đầu tư năm 2014;

– Nghị định số 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch;

– Thông tư số 20/2015/TT-BTP hướng dẫn nghị định 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch.

2. Thủ tục thành lập Công ty về dịch thuật

Để thành lập Công ty về dịch thuật, trước hết khách hàng phải chuẩn bị hồ sơ để làm thủ tục “khai sinh pháp lý” cho Công ty dịch thuật. Dịch vụ dịch thuật không thuộc nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại phụ lục 4 của Luật đầu tư năm 2014 nên thành phần hồ sơ cũng tương  tự như thành lập một công ty bình thường khác.

Thành phần hồ sơ bao gồm những giấy tờ sau:

  • Giấy đề nghị thành lập Doanh nghiệp;
  • Danh sách thành viên sáng lập/ cổ đông sáng lập/ thành viên hợp danh (Tùy vào từng loại hình doanh nghiệp);
  • Giấy tờ chứng thực của cá nhân/ tổ chức là thành viên/ cổ đông sáng lập, chủ sở hữu, người đại diện theo pháp luật của Công ty dịch thuật;
  • Tùy vào trường hợp, có thể phải nộp kèm giấy tờ khác (VD: sổ hộ khẩu, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…)

Trong hồ sơ phải thể hiện được những nội dung sau:

  • Tên Công ty dịch thuật không được trùng hoặc dễ gây nhầm lẫn với tên Công ty đã đăng ký trước đó và phải có đủ 2 thành tố: loại hình Công ty và tên riêng của Công ty.
  • Địa chỉ Công ty phải chi tiết đến số nhà, tổ, khu hoặc xóm, thôn và không được đặt ở chung cư có chức năng để ở.
  • Thông tin về chủ sở hữu, người đại diện theo pháp luật, các thành viên góp vốn, cổ đông sáng lập phải thể hiện được: họ tên; ngày tháng năm sinh; số Giấy chứng thực cá nhân, thời gian và nơi cấp; địa chỉ thường trú và nơi ở hiện tại;
  • Phải đăng ký ngành nghề dịch thuật trong ngành nghề kinh doanh;
  • Ngoài ra còn một số thông tin khác phải hoàn thành để hoàn thiện hồ sơ thành lập Công ty về dịch thuật.

Tuy nhiên, Công ty dịch thuật còn phải đáp ứng một số điều kiện sau:

a. Về tiêu chuẩn, điều kiện của người dịch

Theo quy định tại Điều 27 của nghị định 23/2015/NĐ-CP tiêu chuẩn, điều kiện của người dịch cụ thể như sau:

– “Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật.

– Có bằng cử nhân ngoại ngữ trở lên về thứ tiếng nước ngoài cần dịch hoặc có bằng tốt nghiệp đại học trở lên đối với thứ tiếng nước ngoài cần dịch” Điều này được hướng dẫn tại khoản 1, điều 9 của thông tư số 20/2015/TT-BTP hướng dẫn nghị định 23/2015/NĐ-CP như sau: “Ví dụ: Ông Nguyễn Văn A tốt nghiệp thạc sỹ luật quốc tế tại Trung Quốc, chương trình học bằng tiếng Trung thì ông A đủ tiêu chuẩn để được dịch tiếng Trung Quốc; ông Nguyễn Văn B tốt nghiệp cử nhân kinh tế tại Nhật Bản nhưng chương trình học bằng tiếng Anh thì ông B chỉ đủ tiêu chuẩn để dịch tiếng Anh (không được dịch tiếng Nhật Bản)”;

– “Đối với ngôn ngữ không phổ biến mà người dịch không có bằng cử nhân ngoại ngữ, bằng tốt nghiệp đại học theo quy định tại Khoản này thì phải thông thạo ngôn ngữ cần dịch.”

Khoản 2, điều 9 của thông tư số 20/2015/TT-BTP hướng dẫn nghị định 23/2015/NĐ-CP đã giải thích cụ thể:

– Ngôn ngữ phổ biến là ngôn ngữ được thể hiện trên nhiều giấy tờ, văn bản được sử dụng tại Việt Nam và nhiều người Việt Nam có thể dịch ngôn ngữ này ra tiếng Việt hoặc ngược lại. Ví dụ: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nga, tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật Bản, tiếng Hàn Quốc, tiếng Tây Ban Nha.

– Những ngôn ngữ không phổ biến là loại ngôn ngữ ít được thể hiện trên giấy tờ, văn bản sử dụng tại Việt Nam và có ít người có thể dịch được ngôn ngữ này ra tiếng Việt hoặc ngược lại. Ví dụ: tiếng Ả Rập, tiếng Ấn Độ, tiếng Mông Cổ…

b. Quy định về cộng tác viên dịch thuật

Theo quy định tại Điều 28 của nghị định số 23/2015/NĐ-CP, cộng tác viên dịch thuật gồm có những điều kiện sau:

– “Người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Điều 27 của Nghị định này được làm cộng tác viên dịch thuật của Phòng Tư pháp trong phạm vi cả nước. Phòng Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra tiêu chuẩn, điều kiện của cộng tác viên dịch thuật và lập danh sách cộng tác viên dịch thuật của phòng, báo cáo Sở Tư pháp phê duyệt.

– Trên cơ sở danh sách cộng tác viên dịch thuật đã được Sở Tư pháp phê duyệt, Phòng Tư pháp niêm yết công khai tại trụ sở của Phòng Tư pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho người yêu cầu chứng thực trong việc liên hệ với người dịch.

– Người dịch là cộng tác viên của Phòng Tư pháp phải ký hợp đồng cộng tác viên dịch thuật với Phòng Tư pháp, trong đó xác định rõ trách nhiệm của người dịch đối với nội dung, chất lượng của bản dịch.”

Ngoài ra, quy định người dịch phải chịu trách nhiệm trước khách hàng, trước cơ quan thực hiện chứng thực về tính chính xác của nội dung bản dịch; không được dịch những giấy tờ, văn bản quy định tại Điều 32 của Nghị định 23/2015/NĐ-CP để yêu cầu chứng thực chữ ký người dịch (Khoản 1, điều 30 của nghị định 23/2015/NĐ-CP).

Mọi vướng mắc pháp lý liên quan đến thành lập Công ty kinh doanh dịch vụ dịch thuật, vui lòng liên hệ Luật Blue (Hotline: 0966.914.833 & 0932.359.970) để được tư vấn chi tiết.

Bài viết cùng chuyên mục